Những trường hợp nào không được quyền hưởng di sản thừa kế?
Trong thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ án tranh chấp về quyền hưởng di sản thừa kế. Vậy căn cứ theo quy định của pháp luật, thì những trường hợp nào được quyền hưởng di sản thừa kế? Và những trường hợp nào không được quyền hưởng di sản thừa kế?
Những gì nêu ra dưới đây, Luật sư chúng tôi sẽ đề cập đến những trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế, trường hợp ngoại lệ; cũng như nêu ra những quy định của pháp luật về di sản, tài sản:
Tại điều 621 BLDS quy định các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kề như sau:
“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”
Căn cứ vào quy định nêu trên, thì được chia thành hai trường hợp như sau:
– Trường hợp không được hưởng di sản thừa kế:
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó (người để lại di sản).
Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng lẫn nhau là giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng.
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc… với mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế không đúng với ý chí của người để lại di sản.
– Trường hợp được hưởng di sản thừa kế theo di chúc:
Đây là trường hợp tuy người để lại di sản đã biết hành vi của những người trên (người có hành vi xâm phạm tính mạng…, hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản…), nhưng vẫn cho họ hưởng di sản thừa kế theo di chúc thì những người đó vẫn được quyền hưởng di sản thừa kế đó.
Vậy di sản thừa kế bao gồm những tài sản nào?
Tại Điều 612 BLDS quy định di sản như sau: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Vậy để xác định tài sản là di sản gồm những gì?
Tại Điều 105 BLDS quy định tài sản như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản, có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên thì tất cả tài sản bao gồm cả tài sản riêng hoặc tài sản chung do người chết để lại đều trở thành di sản thừa kế cho người có quyền hưởng quyền thừa kế, ngoại trừ các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế như đã phân tích trên đây.
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetuer adipiscing elit, sed diam nonummy nibh euismod tincidunt ut laoreet dolore magna aliquam erat volutpat.